Trang chủ > Kiến Thức > Điện não đồ giúp chẩn đoán bệnh động kinh

Đo điện não đồ (EEG) là một xét nghiệm giúp ghi lại toàn bộ các hoạt động điện bên trong não bộ. Phương pháp này thường được áp dụng để chẩn đoán các bệnh như co giật, động kinh, chấn thương đầu, u não, đau đầu và các vấn đề về giấc ngủ…

 

Xem thêm: Đo điện não - tầm soát bệnh sớm ở não

Tại sao điện não đồ có thể phát hiện được bệnh động kinh?

Hàng tỷ tế bào thần kinh trong não giao tiếp với nhau thông qua các tín hiệu điện, còn gọi là sóng não. Sự mất cân bằng nồng độ giữa các chất dẫn truyền thần kinh và những chất điện giải giữa bên trong và bên ngoài màng tế bào, chính là nguyên nhân gây rối loạn hoạt động điện và làm kích hoạt các sóng điện não bất thường, hay còn gọi là sóng động kinh (epileptiform) có thể thấy rõ trên kết quả ghi của điện não đồ.

 

may-do-dien-nao-do

 

Trong một điện não đồ, các điện cực nhỏ và dây điện được gắn xung quanh đầu. Các điện cực sẽ nhận diện các sóng điện não, máy đo điện não EEG khuếch đại các tín hiệu này và chúng được ghi lại trên giấy biểu đồ hoặc hiện ngay trên màn hình máy tính. Nếu đúng là bệnh động kinh, trên điện não đồ sẽ thể hiện rõ các đợt sóng nhọn kích thích bất thường rõ rệt.

Điều gì xảy ra trong quá trình làm điện não đồ?

Bạn sẽ được yêu cầu nằm trên bàn hoặc ngồi dựa trên ghế, khoảng 20 điện cực nhỏ sẽ được gắn vào đầu trong khoảng thời gian từ 20 đến 40 phút. Các kỹ thuật viên có thể yêu cầu bạn thực hiện một vài động tác thử nghiệm, chẳng hạn như yêu cầu mở và nhắm mắt lại, thở sâu và nhanh để tăng thông khí, hoặc nhìn vào một bóng đèn nhấp nháy…

Cách thức hoạt hóa cơn động kinh khi thực hiện điện não đồ

Có nhiều phương thức khác nhau được áp dụng khi tiến hành điện não đồ nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Kích thích cơn co giật động kinh bằng ánh sáng (Strobe lighting)

Một số người thường xuyên bị co giật, động kinh khi nhìn thấy ánh sáng chói hoặc khi gặp đèn nhấp nháy, theo y học gọi là động kinh quang chiếm tỷ lệ khoảng 5% số những người mắc động kinh. Với những trường hợp như vậy, trước khi điện não đồ, người bệnh sẽ được “kích hoạt” sóng động kinh bằng những loại đèn nhấp nháy với nhiều tốc độ khác nhau, điều này sẽ phát hiện ra được những thay đổi hoạt động điện trong não khi bị kích thích bởi ánh sáng.

Điện não đồ khi mất ngủ hoặc thiếu ngủ (Sleep deprived EEG)

Cơ hội để phát hiện ra hoạt động bất thường của não bộ trong hầu hết các trường hợp chính là những lúc người bệnh mệt mỏi, buồn ngủ hoặc giai đoạn bắt đầu đi vào giấc ngủ. Vì vậy, đôi khi kiểm tra điện não đồ sẽ thực hiện sau khi người bệnh được yêu cầu thức khuya hoặc thức trắng đêm hôm trước. Nó được thực hiện trong cùng một cách như đo điện não đồ bình thường, nhưng thời điểm sẽ là lúc người bệnh buồn ngủ – sau thời gian bị “mất ngủ”.

Ngoài ra, với dạng động kinh chỉ xuất hiện cơn trong giấc ngủ, người bệnh sẽ cần ở lại bệnh viện để thực hiện ghi điện não đồ liên tục trong suốt đêm đó thì mới có thể chẩn đoán ra bệnh.

Điện não đồ lưu động (Ambulatory EEG)

Việc đo điện não đồ di động cho phép ghi lại điện não trong thời gian dài, có thể là vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần trong khi người bệnh sinh hoạt và làm việc bình thường. Các điện cực có thể gắn ẩn dưới tóc và các dây được kết nối với một máy ghi nhỏ ở quanh hông (giống như mang một máy nghe nhạc mp3). Đồng thời, người bệnh có thể được yêu cầu viết nhật ký, thời điểm ăn, ngủ và những dấu hiệu bất thường nghi ngờ là cơn động kinh. Các sóng điện não có thể được phân tích khi các triệu chứng xảy ra, điều này sẽ giúp phát hiện cơn động kinh tốt hơn so với điện não đồ bình thường chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút.

Điện não đồ video từ xa (Video-telemetry)

 Video từ xa sẽ được thực hiện tại bệnh viện, thường là theo dõi trong một vài ngày. Khi có nghi ngờ về bệnh động kinh, video từ xa có thể hữu ích để chẩn đoán chính xác. Phương pháp này sử dụng một máy quay video gắn lên tường, liên kết với máy đo điện não đồ. Chiếc máy quay video này sẽ ghi lại những gì người bệnh làm, đồng thời, máy điện não đồ sẽ ghi lại sóng điện não ngay tại thời điểm đó. Cả hai video và điện não đồ đều được lưu trữ trên một máy tính để xem lại khi thử nghiệm kết thúc. Bác sĩ sẽ có thể thấy sự thay đổi điện não độ và cơn động kinh thực sự.

Nên chuẩn bị những gì trước khi làm điện não đồ?

– Để giúp các cảm biến dính vào da đầu một cách dễ dàng, bạn nên vệ sinh đầu tóc khô ráo và sạch sẽ, không dùng bất kỳ chất gel hay keo xịt tạo kiểu nào. Nếu bạn có mái tóc dài, nên chải và buộc gọn nhưng không nên dùng kẹp tóc bằng kim loại.

– Bạn có thể ăn uống bình thường nhưng tránh uống nước có chứa cafein hoặc chất kích thích khác trong ít nhất 4 giờ trước khi làm điện não đồ

– Đừng ngủ trưa trước khi thử nghiệm

– Tiếp tục dùng thuốc trừ khi bác sĩ khuyên dừng lại

Điện não đồ có gây rủi ro hay tác dụng phụ không?

Điện não đồ là phương pháp xét nghiệm không hề gây đau và an toàn với mọi đối tượng, dù là trẻ nhỏ. Các điện cực không hề gây truyền điện vào cơ thể khi tiến hành đo. Ngoài việc để lại mái tóc hơi bù xù thì có thể bạn thấy có chút mệt mỏi, hoặc đầu óc hơi quay cuồng, phát ban nhẹ nơi gắn điện cực, ngứa ran ở môi và các ngón tay trong một thời gian ngắn, chúng sẽ tự hết sau khi về nhà nghỉ ngơi.

Điều gì xảy ra sau khi thực hiện điện não đồ?

Khi thử nghiệm kết thúc, các điện cực sẽ được gỡ bỏ, và bạn sẽ cần gội đầu để làm sạch các keo dính khi gắn điện cực. Bạn có thể trở về nhà ngay sau khi thực hiện điện não đồ và trở lại với hoạt động bình thường. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là nếu trước đó phải thức đêm. Bác sĩ có thể đọc luôn kết quả ngay sau khi khám, nhưng đôi khi bạn cũng sẽ phải chờ một vài ngày hoặc vài tuần sau đó.

Ý nghĩa về kết quả của điện não đồ

Kết quả điện não đồ có thể hiển thị rõ những sóng điện bất thường khi bệnh nhân đang trong cơn động kinh, tuy nhiên cũng có những lúc bản ghi điện não đồ không thể hiện rõ sự thay đổi khác biệt. Do vậy, dù kết quả điện não đồ của bạn là bình thường không có nghĩa là bạn đã được loại trừ ra khỏi danh sách những bệnh nhân đã mắc bệnh động kinh, nhất là khi có biểu hiện cơn co giật điển hình.

Đôi khi có một số dạng bệnh động kinh rất khó để có thể xác định bằng một chẩn đoán bằng điện não đồ mà phải thực hiện kết hợp với nhiều phương pháp chẩn đoán khác nữa.

Nếu bạn đã bị mắc một cơn động kinh (co giật), bạn nên được đo điện não đồ để xác định xem mình có mắc bệnh động kinh hay không. Đây là một trong những kỹ thuật dễ thực hiện và có thể làm được ở hầu hết các bệnh viện. Cho dù bạn có bị mắc động kinh thì cũng đừng quá lo lắng. Động kinh không chữa được nhưng nếu bạn có thể kiểm soát tốt các triệu chứng, bệnh động kinh sẽ không còn là nỗi ám ảnh đáng sợ.

--st--

Phòng cách li áp lực âm

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Mr. Hoàng Đức Hùng

Tel: 0905 777 197(24/24h)

Email: sieuamcx@gmail.com

VIDEO GIỚI THIỆU

THỐNG KÊ TRUY CẬP